Châu âu không còn an toàn như chúng ta nghĩ. Lượng khách khổng lồ mỗi năm kèm theo khủng hoảng nhập cư khiến các trung tâm du lịch tại Châu Âu giờ trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Không ai thực sự có thể bảo vệ mình ngoài chính mình. Xem ngay để bỏ túi những kinh nghiệm xương máu khi đi du lịch tự túc ở Châu Âu.
Việt Nam đang là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á cũng như toàn cầu. Nền kinh tế đi lên khiến cho mọi mặt trong xã hội đều có phần đổi thay trông thấy. Nếu như chỉ 5 năm trước đây, châu Âu là một khái niệm gì đó rất xa vời và đắt đỏ, thì hiện nay tuy những con số bỏ ra cho 1 chuyến du lịch châu Âu không hề giảm, nhưng lượng ảnh check-in ở các điểm du lịch sang chảnh này lại tăng lên đáng kể.
Và có bao giờ bạn nghĩ rằng những bức ảnh đấy là những tấm hình cuối cùng người chụp thực hiện trước khi bị mất đi chiếc điện thoại hay chiếc máy ảnh giá trị? Mình là một trong số đó, và vô vàn những câu chuyện người thật việc thật khiến cho bất cứ ai đặt chân đến mảnh đất đầy hào nhoáng này phải dè chừng về độ chuyên nghiệp cũng như nhanh nhẹn, khéo léo của những kẻ trộm cắp chuyên nghiệp tại đây. Cùng mình điểm qua những mẹo “nhỏ nhưng có võ” để tự bảo vệ chính mình trước những nguy cơ hoàn toàn không ai lường trước ở những nơi được cho là an toàn hàng đầu thế giới.
1. Đồ giá trị, giấy tờ và tiền theo người.
“Những gì mua được bằng tiền là rẻ”. Đây là một câu nói xương máu với một người từng mất giấy tờ như mình. Mất giấy tờ cực kỳ lằng nhằng, nhất là đối với những bạn đang học tập và sinh sống tại Châu u. Vì thế nên những gì quan trọng nhất luôn phải dính chặt vào người. Nên sắm một chiếc túi đeo chéo hoặc đeo thắt lưng cài chặt vào người để giấy tờ và tiền bạc, các loại thẻ.
2. Luôn giữ chặt đồ khi đi công cộng.
Trộm cắp tại châu âu rất táo tợn và nhanh gọn. Rất nhiều trường hợp bị cướp túi/vali vào khoảnh khắc lúc cánh cửa tàu điện ngầm chuẩn bị đóng khiến bạn không thể truy đuổi theo tên cướp hoặc bạn ngồi ăn ở nhà hàng ngoài trời để đồ bên cạnh cũng là miếng mồi ngon.
3. Dàn cảnh, đánh lạc hướng.
Trộm cắp ở châu u hiện nay đang thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản, có đào tạo và rất hay đi theo số đông, hoạt động có tổ chức. Kể cả bạn có trong nhà hàng hay ở ngoài đường, rất nhiều khi có người đến bắt chuyện với bạn hoặc nhờ vả việc gì đó hoặc cố tình lấy sự chú ý của bạn, để cho một hoặc nhóm người khác tiến hành lấy đồ của bạn khi bạn vắng ý thức nhất. Những tên trộm có vẻ ngoài ưa nhìn đôi khi còn rất thư sinh hay thậm chí trẻ con cũng được cài cắm để hoạt động theo kiểu “teamwork” này.
4. Dây đeo điện thoại.
Điện thoại là thứ dễ gây chú ý và cũng dễ ra đi nhất vì chỉ cần 1 tác động nhẹ cũng đủ khiến vật dụng chữ nhật đó xa rời tay chúng ta. Nên có một chiếc dây đeo điện thoại vào cổ gắn chặt vào ốp lưng là việc cần thiết đảm bảo cho nếu có bị giật thì cũng không ra đi một cách dễ dàng được.
5. Người lạ ơi…
Bất kỳ ai đi trên đường đều có thể sẽ là những tên trộm chuyên nghiệp, vì thế nên hạn chế tối đa việc bị người lạ bắt chuyện, đặc biệt là những nhóm xin chữ ký làm từ thiện (đọc lại điều 3); và nếu có thể hiện sự nhiệt tình quen thuộc của người Việt, hãy cố gắng thực hiện điều 2. Tránh tối đa việc đưa đồ của mình cho người lạ, không ít vụ nhờ chụp ảnh xong là cũng không còn máy ảnh hay máy điện thoại. Nếu có thể, bạn hãy cố gắng tìm những chỗ đứng an toàn để tiện quan sát cũng như hạn chế người khác tiếp cận mình. Còn nếu muốn nhờ ai đó chụp ảnh, hãy tìm đến người Á Đông như chúng ta (Trung Nhật Hàn Việt…)
6. Khi mặt trời lặn
Buổi tối và những con đường vắng là khoảng lý tưởng để thực hiện những việc không lương thiện. Một lời khuyên chân thành là nếu bạn cảm thấy muốn an toàn thực sự, đừng tiếc tiền gọi Uber/Taxi, nhất là khi di chuyển với nhiều hành lý hoặc khi mang những đồ xa xỉ phẩm trên người.
Châu âu không còn an toàn như chúng ta nghĩ. Lượng khách khổng lồ mỗi năm kèm theo khủng hoảng nhập cư khiến các trung tâm du lịch tại Châu Âu giờ trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Không ai thực sự có thể bảo vệ mình ngoài chính mình. Nếu chẳng may xảy ra mất mát, hãy đến đồn cảnh sát gần nhất khai báo và sau đó tìm đến đại sứ quán/lãnh sự quán nước sở tại. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có được những sự chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt về tâm lý, trước khi đáp máy bay xuống những kinh đô hoa lệ để đảm bảo chắc chắn sự hưởng thụ hoàn toàn trong chuyến đi và tránh những sự cố ngoài ý muốn xảy ra có thể phá hỏng toàn bộ chuyến du lịch đắt đỏ của bạn.
Nguồn: Long Dingo